fbpx

Tầm quan trọng của việc chơi giả vờ ở trẻ

Chơi giả vờ ở trẻ (chơi mô phỏng) thể hiện qua việc trẻ bắt chước các hành động/âm thanh từ những hoạt động thường ngày và chuyển vào hoạt động chơi của mình. Đây là mức độ chơi cao nhất, thể hiện khả năng xã hội, tính sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ theo những cách khác nhau.

1. Các giai đoạn chơi giả vờ ở trẻ

1.1 Chơi giả vờ ở trẻ 18 – 24 tháng

Việc chơi giả vờ có thể bắt đầu xuất hiện từ khi trẻ được khoảng 18– 24 tháng, là giai đoạn chơi giả vờ sớm. Ở thời điểm này, việc quan sát và lặp lại hành vi của người lớn như một bản năng tự nhiên, trẻ có xu hướng bắt chước các hành vi của người lớn để khám phá đồ vật và khám phá môi trường xung quanh. Nhiều trẻ bắt đầu để ý và bắt chước các hành động của người xung quanh – đặc biệt là người lớn trong gia đình, thể hiện ở một số hành động như: nghe và gọi điện thoại, xúc cho bố mẹ ăn, quét nhà, chải tóc cho mình và cho người khác, biết phân biệt bánh đồ chơi và đưa vào gần miệng và giả vờ nhai nhóp nhép, tu cốc uống nước mà không có nước…Giai đoạn này xuất hiện việc chơi giả vờ đơn giản với bản thân, cụ thể là trẻ tự chơi những hành động giả vờ đơn giản gắn với các hoạt động quen thuộc trong cuộc sống như giả vờ ăn, giả vờ ngủ, giả vờ nói chuyện điện thoại một mình… Dần dần, trẻ càng lớn, nhận thức tăng cường, kỹ năng xã hội mở rộng thì việc bắt chước các hành vi càng cầu kì hơn. Đầu tiên chỉ là từng hành vi nhỏ lẻ với đồ vật, sau đó sẽ thành những chuỗi hành động dài gồm 2 -3 -4 hoạt động nối tiếp nhau.

1.2 Chơi giả vờ ở trẻ 2-3 tuổi

Từ 2 – 3 tuổi, trẻ có thể mở rộng việc chơi giả vờ đơn giản với người khác hoặc búp bê: Giả vờ cho bố mẹ hoặc búp bê ăn, mặc quần áo cho búp bê, cho búp bê đi ngủ… Đến tầm 3 tuổi, khả năng chơi giả vờ của trẻ được nâng cao. Giai đoạn này gọi là chơi giả vờ muộn và sử dụng các đồ vật thay thế. Trẻ không chỉ lặp lại các hành vi với đồ vật nữa, mà còn bắt đầu tưởng tương ra các đồ vật thay thế những vật thật. Ví dụ trẻ biết lấy viên điều khiển làm điện thoại liên lạc, lấy chai nước hoặc cuộn giấy làm micro và hát như ca sĩ, lấy giấy xếp lên nhau để làm bánh sinh nhật… Sau đó trẻ có thể không cần đồ vật mà có thể tưởng tưởng ra một trò chơi và chơi một cách thích thú. Như lấy bàn tay làm cử chỉ nghe điện thoại, hoặc tự nói chuyện với một người nào đó. Trẻ có thể lấy ghế xếp với nhau thành xe buýt và đu vắt vẻo trên đó… Ở giai đoạn này, khả năng tưởng tượng của trẻ tốt hơn, trẻ có thể giả vờ thứ này là thứ kia, cũng như là gắn các đặc tính với một vật mà nó có để làm cho trò chơi hấp dẫn hơn.

1.3 Chơi giả vờ ở trẻ 4-5 tuổi

Dần dần, ở trẻ 4-5 tuổi, việc chơi giả vờ phức tạp hơn – trẻ chuyển sang giai đoạn chơi đóng vai. Trẻ biết xây dựng các tình huống khác nhau và tạo ra các chuỗi hoạt động có cốt truyện. Việc này được thực hiện thông qua bắt chước những nhân vật mà trẻ tiếp xúc hàng ngày, gần gũi nhất với các chủ đề như nấu ăn, chủ đề gia đình, chủ đề trường học và chơi với búp bê, với gấu bông. Khi mà các chủ đề này đa dạng, phức tạp hơn, gồm từ 2 nhân vật có tương tác qua lại, có sự phân vai giữa các nhân vật khi chơi với nhau. Nhóm chơi có thể gồm nhiều trẻ tự chơi với nhau, hoặc trẻ đóng vai với những người lớn trong nhà. Ở giai đoạn chơi này, trẻ có thể tạo ra vô vàn tình huống mà trẻ được chứng kiến. Đặc biệt, các buổi phân vai không chỉ có hành động với đồ vật nữa, mà trẻ còn lồng được ngôn ngữ giao tiếp để cuộc chơi thú vị hơn. Có thể là tự chơi giả vờ một mình, tự kể chuyện và nói với búp bê, hoặc trẻ sẽ trao đổi với nhau để đưa đẩy các câu chuyện theo mạch của nó. Từ đó, trẻ sẽ học được ở các bạn chơi các cách thức giải quyết vấn đề, các cách thức giao tiếp ứng xử mà mình chưa được trải qua.

Độ tuổi phát triển khả năng chơi đóng vai – xã hội này bắt đầu từ khi trẻ 3 tuổi, đến 4 – 5 tuổi là phát huy tối đa được khả năng tưởng tượng của trẻ. Khi trẻ tham gia vào các trò chơi đóng vai như thế này, trẻ không chỉ phản ánh môi trường mà trẻ được tiếp xúc, ví dụ nếu bố mẹ hay mắng trẻ – trẻ cũng sẽ thể hiện y như vậy nếu trẻ đóng vai là “bố mẹ”, hoặc trẻ sẽ tái diễn lại những cảnh ăn cơm, đi chơi của gia đình với các bạn cùng chơi. Ở giai đoạn này, khả năng chơi giả vờ vượt trội hơn hẳn, trẻ có thể kết nối chuỗi hành động giả vờ để kể một câu chuyện: Trẻ kết nối một vài hành động giả vờ cùng với nhau hay kể một câu chuyện dài về các đồ chơi như cho búp bê vào trong ô tô và đẩy ô tô ra cửa hàng.

2. Ý nghĩa của việc chơi giả vờ ở trẻ

Thông qua hoạt động chơi giả vờ, trẻ có cơ hội để mở rộng ngôn ngữ, nhận thức, phát triển sự sáng tạo và tư duy trừu tượng, cũng như giúp các con có thêm cơ hội được tương tác, hòa nhập cùng bạn bè. Vì để mô phỏng lại các hoạt động, để chuyển thể câu chuyện từ thực tế vào trò chơi, để sáng tác ra những câu chuyện mới, trẻ cần có vốn nhận thức, ngôn ngữ nhất định.

Một vấn đề khác có thể thể hiện rõ ràng khi trẻ chơi giả vờ – là thể hiện mong muốn hoặc khát khao đạt được những điều mà trẻ chưa có. Ví dụ: một đứa trẻ suốt ngày bị bố mẹ mắng và bắt phải nhường em, nó có thể thể hiện ra bằng sự thù ghét đứa em, mong muốn em nó không tồn tại trên đời… Hoặc trẻ có thể tự tưởng tượng ra rằng mình đang được đi chơi – mô tả những thứ mà trẻ nhìn thấy trên phim ảnh hoặc được người khác kể lại – dù chúng chưa từng được trải qua thực tế. Đây là một cách để trẻ phóng chiếu bản thân, nói ra được nhưng mong muốn khát khao của mình.

Khi quan sát hoạt động chơi giả vờ của trẻ, người lớn sẽ biết được:

  • Cuộc sống gia đình mình qua cách nhìn nhận của đứa trẻ
  • Những mong muốn của trẻ
  • Tính cách của trẻ, cách trẻ giải quyết vấn đề
  • Mối quan hệ của trẻ với bạn chơi
  • Phát hiện kịp thời những sai trái trẻ gặp phải (ví dụ như về từ ngữ mà trẻ sử dụng trong quá trình chơi, những khó khăn trẻ gặp phải khi giải quyết các tình huống lúc chơi)

Đồng thời người lớn cũng sẽ nhận ra mình cần thay đổi hoặc cải thiện những khía cạnh nào để phù hợp với trẻ, chú ý hơn đến mong muốn và những vấn đề trẻ đang gặp phải.

Trẻ hay chơi giả vờ, và bắt mọi người chơi cùng mình. Điều đó có xấu không? Đó là một khả năng tuyệt vời của trẻ. Qua việc chơi giả vờ, trẻ có cơ hội để tương tác với những người khác, đặc biệt là bạn cùng lứa tuổi. Trẻ sẽ biết thêm được cách ứng xử của các gia đình khác. Trẻ sẽ có cơ hội để thể hiện những suy nghĩ của mình qua từng lời nói, từng hành động. Đặc biệt, khi chơi giả vờ, mỗi trẻ sẽ được tái hiện những tình huống/ những cốt truyện theo hướng khác nhau, các trẻ tham gia cần biết thỏa thuận để câu chuyện diễn ra theo đúng ý mình. Đồng thời, khi xung đột xảy ra, trẻ sẽ cần tìm cách để giải quyết và tiếp tục câu chuyện của mình. Như vậy, việc trẻ chơi giả vờ cùng nhau là một khả năng phù hợp với sự phát triển của trẻ, nên được khuyến khích nhiều hơn. Nếu trẻ được đóng nhiều vai khác nhau (những nhân vật khác nhau trong gia đình, những công việc khác nhau trong xã hội…) thì trẻ sẽ còn được học nhiều kinh nghiệm hơn nữa.

3. Chơi giả vờ ở trẻ – bố mẹ nên tham gia như thế nào?

Để giúp con có những hoạt động chơi giả vờ có ý nghĩa hơn, mố mẹ có thể tham khảo một số hoạt động sau:

  • Hưởng ứng khi trẻ rủ bố mẹ chơi cùng, mặc dù càng lớn, đến tầm 5 tuổi, trẻ sẽ càng có những suy nghĩ sáng tạo mà người lớn ngại ngùng không đóng vai cùng trẻ được.
  • Giới thiệu với trẻ những tình huống và cách xử lý vấn đề khác nhau, để trẻ có thêm thông tin đưa vào hoạt động chơi của mình. Ví dụ: Khi quan sát trẻ chơi, bố mẹ thấy trẻ và bạn có mâu thuẫn thì sau khi trò chơi kết thúc, bố mẹ có thể nói chuyện thêm với trẻ, cung cấp cho trẻ những cách thỏa hiệp với bạn, hoặc bố mẹ cũng thực hiện ngay khi cả nhà cùng chơi giả vờ với nhau.
  • Cho trẻ được trải nghiệm nhiều tình huống thực tế, như là: các hoạt động sinh hoạt thường ngày (đi mua quần áo, đi siêu thị mua đồ ăn cho gia đình, sắp xếp đồ dùng trong nhà…), hoặc là các hoạt động dã ngoại (đến khu vui chơi, thăm quan các khu du lịch sinh thái)… vừa nhằm tăng kiến thức cho trẻ về thế giới xung quanh, lại mở rộng tình huống để trẻ áp dụng trong các trò chơi giả vờ của mình.
  • Chia sẻ, giải thích với trẻ những việc mà bố mẹ làm trong cuộc sống, để trẻ biết những suy nghĩ và quan điểm của người khác, trẻ sẽ cân nhắc và áp dụng khi chơi…
  • Quan sát, lắng nghe khi các trẻ chơi giả vờ và sau đó cùng góp ý, chia sẻ về những hành vi đúng/không đúng của trẻ trong quá trình chơi.

Nhìn chung, chơi giả vờ ở trẻ (chơi mô phỏng) là mức độ chơi cao nhất, điều này sẽ thể hiện khả năng xã hội, tính sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ theo những cách khác nhau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *