fbpx

Dinh dưỡng và chế độ ăn cho trẻ sau cai sữa

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ như thế nào ở các giai đoạn chuyển tiếp luôn là mối băn khoăn của các bà mẹ. Cai sữa cũng là một trong những thời điểm quan trọng, nếu như không được chăm sóc đúng cách, khoa học, ở các giai đoạn này trẻ rất dễ bị rối loạn ăn uống, thiếu dưỡng chất, giảm miễn dịch, dễ nhiễm bệnh. Ngược lại, nếu như có một chế độ chăm sóc, dinh dưỡng tốt thì bé sẽ tiếp tục tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.

1. Nên cai sữa khi nào?

Trong 6 tháng đầu: sữa mẹ là nguồn thức ăn tự nhiên tốt nhất cho trẻ. Ngoài thành phần dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, phù hợp với hệ tiêu hóa và hấp thụ của trẻ, sữa mẹ còn có kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ suy dinh dưỡng, béo phì, các bệnh mãn tính không lây khi trưởng thành, đặc biệt là bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,…Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu mà không cần cho trẻ ăn thêm bất kỳ thức ăn, nước uống nào khác (kể cả nước).

Đối với trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi thì sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn quan trọng, đáp ứng được 70% nhu cầu năng lượng lúc trẻ 6 – 8 tháng tuổi, 55% khi trẻ từ 9 – 11 tháng và 40% khi trẻ 12 – 24 tháng tuổi. Vì vậy, cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ kéo dài đến 2 năm cùng với ăn bổ sung.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều bà mẹ phải trở lại làm việc sau 6 tháng, hoặc không đủ sữa, hoặc cấn bầu lần nữa cần cân nhắc cai sữa sớm hơn thời điểm trẻ được 24 tháng tuổi.

2. Cai sữa như thế nào?

Dinh dưỡng và chế độ ăn cho trẻ sau cai sữa
Cai sữa bằng cách nào để khỏe mẹ khỏe con?

Quá trình cai sữa cho trẻ có thể mất đến vài tuần hoặc vài tháng tùy vào khả năng thích nghi của mỗi bé, việc chăm sóc trẻ cũng cần được quan tâm để giúp bé dần thích nghi và không bị bỡ ngỡ.

Khi bắt đầu giai đoạn cai sữa thì mẹ nên giảm dần các cữ bú và thay vào đó là bú bình, nhờ người thân cho bé bú, gần gũi chăm sóc bé chứ không cai ngay lập tức. Ngoài ra, mẹ chỉ nên chơi đùa, âu yếm với trẻ khi trẻ đã được ăn no hành động này sẽ giúp duy trì mối liên hệ mật thiết giữa mẹ và bé, tạo cho trẻ cảm giác vẫn được mẹ yêu thương, gần gũi.

Cai sữa là cả quá trình, do đó phải được tiến hành từ từ chứ không nên quá nóng vội, nên thực hiện đồng thời việc giảm cữ bú và tăng các bữa ăn với món ăn cho trẻ sau cai sữa mà trẻ yêu thích, như vậy trẻ sẽ dễ chấp nhận hơn mà không bị sang chấn tinh thần.

Khi cai sữa cho trẻ, mẹ cũng cần chuẩn bị tinh thần để đối mặt với các tình huống như tắc tia sữa, áp xe vú, viêm đầu vú…khi trẻ hờn dỗi, quấy khóc đòi sữa mẹ thì mẹ phải kiên quyết để trẻ tập thích nghi dần.

3. Lưu ý khi cai sữa cho trẻ

Lựa chọn thời gian cai sữa cho trẻ cũng là một trong những yếu tố quan trọng, mẹ chỉ nên cai sữa khi trẻ khỏe mạnh bởi nếu trẻ đang bị bệnh, khó chịu thì bé sẽ rất khó thích nghi với những thay đổi mới và dễ gây ra tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng.

Việc ngưng bú mẹ có thể khiến trẻ bị stress và biếng ăn, nên xây dựng chế độ ăn cho trẻ sau cai sữa là việc làm cần thiết và quan trọng, nên chuẩn bị các món ăn mà trẻ yêu thích để trẻ không biếng ăn, một chế độ ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp bé tiếp tục phát triển tốt. Tuyệt đối không nên ép trẻ ăn quá nhiều sẽ khiến trẻ khó chịu và dễ bị nôn trớ, gây tâm lý sợ ăn.

4. Chế độ ăn bổ sung hợp lý

Dinh dưỡng và chế độ ăn cho trẻ sau cai sữa
Dinh dưỡng và chế độ ăn cho trẻ sau cai sữa

Ngoài việc chăm sóc trẻ sau cai sữa một cách chu đáo thì thức ăn bổ sung cần đa dạng và đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển của thể chất, tinh thần, trí não của trẻ và đủ 4 nhóm thức ăn:

Nhóm tinh bột từ ngũ cốc và khoai củ là nguồn cung cấp năng lượng chính trong khẩu phần.

Nhóm chất đạm từ nguồn đạm động vật và đậu đỗ để cung cấp chất đạm, sắt, kẽm, vitamin A…

Nhóm chất béo từ dầu mỡ là nguồn bổ sung năng lượng, làm cho thức ăn mềm dễ nuốt, đồng thời là dung môi để hòa tan các vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K).

Nhóm vitamin và khoáng chất từ các loại rau củ quả giúp trẻ phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng.

Năng lượng từ thức ăn bổ sung khoảng 200 – 300 kcal/ngày cho trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi, 300 – 400 kcal/ngày cho trẻ từ 9 – 11 tháng tuổi và 500 – 700 kcal/ngày lúc trẻ 12 – 24 tháng tuổi. Năng lượng còn lại do sữa cung cấp.

Số bữa ăn và số lượng mỗi bữa tăng dần theo tháng tuổi để phù hợp với dung tích dạ dày của trẻ: 2 bữa/ngày, mỗi bữa 100 – 150ml với trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi; 3 bữa/ngày, mỗi bữa 200ml với trẻ từ 9 – 11 tháng tuổi; 3 bữa/ngày, mỗi bữa 250ml với trẻ từ 12 – 24 tháng tuổi.

Trẻ sau cai sữa cần bổ sung kẽm để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein… Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,… Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,… giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *