fbpx

Trẻ uống nhiều nước có tốt không?

Trẻ uống đủ nước sẽ giúp giảm sự lo lắng và cải thiện năng lực tư duy. Tuy nhiên, cần giới hạn ở mức đủ, không để trẻ uống nhiều nước quá mức so với nhu cầu của cơ thể vì điều này có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn.

1. Lợi ích của việc cho trẻ uống đủ nước

Trước khi tìm hiểu trẻ em uống nhiều nước có tốt không, các bậc phụ huynh cần nắm được những lợi ích khi trẻ uống đủ nước. Cụ thể:

Trong một nghiên cứu mới được công bố của Hiệp hội Tâm lý học Anh ở London: Những sinh viên mang nước vào phòng thi sẽ đạt điểm cao hơn khoảng 10% so với người không mang nước. Đại học London cũng thực hiện 1 thử nghiệm tương tự: Chia trẻ 9 tuổi thành 2 nhóm – 1 nhóm uống 250ml và nhóm còn lại không uống nước. Sau khi làm bài kiểm tra 20 phút, những trẻ uống nước có điểm cao hơn tới 34%.

Từ các nghiên cứu, các nhà khoa học tin rằng các tế bào não có thể hoạt động trơn tru hơn sau khi được bổ sung nước (vì nước trong cơ thể có thể thúc đẩy khả năng nhận thức của trẻ nhỏ). Các nhà nghiên cứu tin rằng việc uống đủ nước sẽ làm giảm sự lo lắng và góp phần cải thiện năng lực tư duy của trẻ.

2. Trẻ uống nhiều nước có tốt không?

Tuy nước rất cần thiết cho hoạt động của cơ thể, uống đủ nước là rất quan trọng nhưng uống nhiều nước thì không thực sự tốt cho sức khỏe. Dù là trẻ 1 tuổi, trẻ 2 tuổi uống nước nhiều có tốt không thì câu trả lời đều là không. Nếu uống quá nhiều nước, trẻ có thể đối diện với một số hệ lụy như:

  • Đi tiểu quá nhiều: Thông thường, mọi người sẽ đi tiểu 6 – 8 lần/ngày. Nếu trẻ đi tiểu nhiều hơn 10 lần/ngày tức là trẻ đang bị thừa nước. Việc đi tiểu quá nhiều sẽ khiến trẻ cảm thấy phiền toái, mệt mỏi,…;
  • Nước tiểu trong veo: Nước tiểu sẫm màu là dấu hiệu không tốt nhưng nước tiểu trong veo không màu cũng là biểu hiện cho thấy cơ thể có thể đã bị thừa nước;
  • Bị chuột rút: Sự mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể có thể ảnh hưởng tới chức năng cơ bắp, dẫn tới co thắt cơ và chuột rút. Điều này xảy ra khi lượng nước cơ thể phải đào thải quá nhiều, làm giảm mức điện giải, gây chuột rút;
  • Mệt mỏi và căng thẳng: Cơ thể nạp quá nhiều nước trong một thời gian ngắn sẽ khiến thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng nước dư thừa. Điều này kích thích tuyến thượng thận (có nhiệm vụ đối phó với tình trạng căng thẳng) quá mức. Khi cơ thể tiết ra quá nhiều hormone căng thẳng thì trẻ sẽ mệt mỏi, khó chịu;
  • Ảnh hưởng tới thận: Thận đảm nhiệm chức năng lọc nước. Nếu trẻ uống nhiều nước thì sẽ khiến thận phải làm việc nhiều hơn. Lâu ngày, chức năng thận có thể bị suy giảm, dễ gây các bệnh về thận;
  • Gây hại cho tim: Uống quá nhiều nước có thể gây tổn thương tim vì uống nhiều nước làm tăng thể tích máu trong cơ thể, dẫn tới tăng gánh nặng cho tim. Áp lực này có thể gây hại cho các mạch máu hoặc dẫn tới động kinh;
  • Tổn thương não bộ: Khi trẻ uống nhiều nước vượt quá khả năng xử lý của thận thì sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng natri trong máu, có thể gây tổn thương tới não bộ và cơ thể (tình trạng ngộ độc nước). Ngộ độc nước gây hại nặng nề cho cơ thể, thậm chí dẫn tới tổn thương não, hôn mê và tử vong;
  • Phát triển một số bệnh lý: Nếu trẻ uống quá nhiều nước nhiễm sắt thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh về gan. Việc uống quá nhiều nước nhiễm clo cũng có thể khiến trẻ bị rối loạn chức năng nội tạng và ung thư.
trẻ uống nhiều nước
Trẻ uống nhiều nước sẽ khiến trẻ đi tiểu quá nhiều

3. Trẻ uống bao nhiêu nước là phù hợp?

Vì bảo vệ sức khỏe của con, cha mẹ cần cho trẻ uống đủ nước. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới nhu cầu nước trong ngày của trẻ như: Thời tiết nóng – lạnh, mức độ hoạt động nhiều – ít, khỏe mạnh hay bị sốt,…

Khuyến nghị về lượng nước phù hợp (nước lọc) để bổ sung cho từng lứa tuổi ở trẻ khỏe mạnh như sau:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Không nên uống thêm nước vì lượng nước cần thiết cho bé đã được cung cấp đủ từ nguồn sữa mẹ hoặc sữa công thức;
  • Trẻ 6 – 12 tháng tuổi: Lượng nước cần bổ sung cho bé có liên quan tới sữa mẹ hoặc sữa công thức, yếu tố sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng tổng quát của trẻ,… Nguyên tắc chung về lượng nước uống trong độ tuổi này của trẻ là 125 – 250ml/ngày;
  • Trẻ 1 tuổi: 250ml/ngày;
  • Trẻ 2 tuổi: 500ml/ngày;
  • Trẻ 3 tuổi: 750ml/ngày;
  • Trẻ 4 tuổi: 1.000ml/ngày;
  • Trẻ 5 tuổi: 1.250ml/ngày;
  • Trẻ 6 tuổi: 1.500ml/ngày;
  • Trẻ 7 tuổi: 1.750ml/ngày;
  • Trẻ trên 8 tuổi: 2.000ml/ngày.

Nếu trẻ sống ở vùng khí hậu nóng hoặc trẻ vận động thể lực nhiều hơn thì nhu cầu bổ sung nước sẽ cao hơn. Nếu trẻ không tăng trưởng tốt thì bác sĩ có thể chỉ định thay thế một phần nước tiêu thụ hằng ngày bằng một loại chất lỏng khác có năng lượng cao như sữa nguyên chất. Thanh thiếu niên và người lớn cần đảm bảo uống tối thiểu 2.000ml nước/ngày.

4. Thời gian uống nước của trẻ như thế nào hợp lý?

Trẻ uống nhiều nước sẽ gây những hệ lụy không mong muốn cho sức khỏe. Nhưng nếu bị thiếu nước thì cũng không tốt. Thông thường, trẻ ít khi tự uống nước, chỉ uống khi đã quá khát (đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ đã bị mất nước nhẹ). Vì vậy, phụ huynh cần cho trẻ uống đủ nước vào những thời điểm chính xác như:

  • Giữa các bữa ăn: Không nên cho trẻ uống nước trước hoặc ngay sau khi ăn. Nguyên nhân bởi nếu uống nước trước bữa ăn thì sẽ tạo cảm giác no, khiến trẻ không muốn ăn. Còn uống nước ngay sau khi ăn sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn, khiến trẻ khó tiêu, kém hấp thụ chất dinh dưỡng. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ uống nước giữa các bữa ăn;
  • Sau khi tắm: Khi đi tắm, không gian kín gió và nhiệt độ cao sẽ đẩy nhanh tốc độ bay hơi ẩm trên da, khiến da trẻ bị khô và bé sẽ cảm thấy khát. Vì vậy, sau khi tắm khoảng 15 phút, cha mẹ nên cho bé uống nước để đẩy nhanh quá trình chuyển hóa chất thải trong cơ thể và góp phần làm dịu da khô;
  • Sau khi ngủ dậy: Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ uống nước trước khi ngủ vì có thể khiến bé nhịn tiểu, gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ và làm tăng gánh nặng cho thận. Trẻ nhỏ cũng dễ bị tè dầm do uống nhiều nước trước khi ngủ. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ uống nước sau khi ngủ dậy để giảm khô miệng, tăng cường trao đổi chất và cải thiện chức năng thận của bé;

Sau khi khóc: Sau khi trẻ ổn định về cảm xúc, ngừng khóc thì cha mẹ nên cho trẻ uống nước. Bởi khóc làm tiêu hao lượng nước trong cơ thể, khiến cổ họng trẻ bị khô, đau rát nên cần được bù nước. Đồng thời, việc cho trẻ uống nước cũng giúp bé xua tan những cảm xúc tiêu cực.

trẻ uống nhiều nước
Cha mẹ nên cho trẻ uống nước sau khi ngủ dậy để giảm khô miệng

5. Không nên cho trẻ uống những loại nước gì?

Bên cạnh việc tránh cho trẻ uống nhiều nước, phụ huynh cũng không nên cho bé uống các loại nước sau:

  • Nước quá lạnh hoặc quá nóng: Trẻ uống nhiều nước lạnh dễ bị rối loạn tiêu hóa, táo bón, suy yếu hệ miễn dịch,… Trẻ uống nước nóng dễ bị tổn thương niêm mạc miệng, thực quản, dạ dày và bị ê buốt răng,… Nhiệt độ nước uống cho trẻ tốt nhất là 35 – 38°C – gần với nhiệt độ cơ thể trẻ;
  • Nước trái cây và nước có đường: Để dụ trẻ uống thêm nước, cha mẹ thường cho thêm đường hoặc nước trái cây vào nước (nước ngọt hơn, dễ nuốt hơn). Tuy nhiên, đây là điều mà các bậc phụ huynh cần tránh vì ăn quá nhiều đường có thể làm tăng gánh nặng cho tim và thận, dễ dẫn đến béo phì, gây ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của bé. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn đường, trẻ trên 1 tuổi thì ăn càng ít càng tốt bởi sữa, thực phẩm và hoa quả mà trẻ ăn đã cung cấp đủ đường cho nhu cầu cơ thể;
  • Nước có hàm lượng khoáng chất cao: Loại nước này có thể gây hại cho sức khỏe của bé. Cụ thể, nước có quá nhiều khoáng chất sẽ phá vỡ sự cân bằng của thành phần nước trong cơ thể, dễ khiến nước bị thất thoát ra ngoài;
  • Nước để quá 24 giờ: Trẻ em nên uống nước đun sôi để nguội trong ngày, không để sang hôm sau bởi nếu để nước quá 24 giờ thì vi khuẩn trong không khí có thể xâm nhập làm giảm chất lượng nước, ảnh hưởng tới sức khỏe người uống. Ngoài ra, các bậc phụ huynh chú ý nên đựng nước đun sôi để nguội trong các dụng cụ làm từ chất liệu đạt chuẩn (không sử dụng bình nhựa tái chế), đậy nắp kín.

Như vậy, với câu hỏi đặt ra ở đầu bài: Trẻ uống nhiều nước có tốt không thì đáp án là KHÔNG. Chỉ cần đảm bảo trẻ uống đủ nước so với nhu cầu cơ thể là được vì việc uống quá nhiều nước có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn. Các bậc phụ huynh cũng nên chú ý cho trẻ uống đủ nước vào nhiều thời điểm trong ngày, không uống quá nhiều một lúc và cũng không đợi tới khi trẻ khát mới cho uống,…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *