fbpx

Khắc phục tình trạng trẻ ăn ngậm

Trẻ ăn ngậm, không biết nhai nuốt thức ăn là nỗi lo lắng thường gặp của nhiều bậc phụ huynh. Thói quen ngậm thức ăn không chỉ làm không khí ăn căng thẳng, mệt mỏi mà về lâu dài làm trẻ dễ sâu răng, thiếu hụt dưỡng chất, suy dinh dưỡng.

1. Nguyên nhân trẻ ngậm thức ăn

Trẻ không tập trung vào bữa ăn: Trẻ vừa ăn vừa chơi, hoặc vừa xem tivi, ipad, điện thoại,… nên quên mất việc nhai, nuốt thức ăn dần dần sẽ hình thành thói quen khó bỏ, lâu dài không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ, trẻ không nhận biết được cảm giác ngon miệng, giảm quan tâm, hứng thú với việc ăn, dù bữa ăn có ngon và hấp dẫn.

Không tập cho bé ăn thức ăn thô dần từ giai đoạn bắt đầu ăn dặm vì sợ bé nôn ói, khó tiêu hóa. Việc xay nhuyễn thức ăn kéo dài không những làm trẻ mất phản xạ nhai mà còn gây giảm chức năng cơ hàm, chán ăn, ăn chậm do thức ăn xay nhuyễn nhàm chán, đơn điệu, mất mùi vị đặc trưng thơm ngon của từng loại thức ăn.

Thức ăn không phù hợp sức nhai hoặc không phù hợp khẩu vị: Dai cứng, vị nhạt nhẽo, quá nguội, tanh, ăn mãi một mùi vị, một dạng thức ăn,…

Tình trạng bệnh khiến trẻ mệt mỏi hoặc khó nhai, khó nuốt: Như mọc răng, sưng lợi, các bệnh viêm họng, nhiệt miệng, tay chân miệngnhiễm siêu vi

Trẻ biếng ăn, tìm mọi cách để kéo dài thời gian ăn để không phải ăn nhiều, hoặc trẻ thích ngậm đồ ăn vì ngậm lâu tự cảm nhận có vị ngọt do men tiêu hoá thức ăn ở tuyến nước bọt đã chuyển hóa thức ăn thành đường,…

Nguyên nhân trẻ ăn ngậm
Mẹ không tập cho trẻ ăn thức ăn thô dần là một nguyên nhân trẻ ăn ngậm

2. Khắc phục tật ngậm thức ăn của con

Tránh xa thiết bị công nghệ

Thói quen vừa cho bé ăn vừa để bé xem tivi hay sử dụng các đồ dùng công nghệ như ipad, điện thoại không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của con mà chính chúng đang tạo ra thói quen xấu trong bữa ăn hàng ngày của bé. Việc xem hoạt hình hay quảng cáo sẽ khiến bé xao nhãng, mất tập trung, khiến bé mải chơi, quên mất việc ăn hay thậm chí là mất cảm giác ngon miệng, dù bữa ăn có hấp dẫn đến đâu. Hay nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến dạ dày còn non nớt của trẻ.

Thức ăn phù hợp sức nhai và khẩu vị

Mỗi độ tuổi khác nhau, bé sẽ phù hợp với một dạng thức ăn khác nhau. Không nên cho bé ăn vượt quá khả năng ăn nhai của bé, không để thức ăn quá cứng, quá dai,… cũng như không duy trì quá lâu thức ăn xay nhuyễn. Tập cho bé ăn thô dần từ 7-9 tháng tuổi, khi chuyển từ bột dạng ngọt sang bột mặn, nên băm nhuyễn, cắt nhỏ thực phẩm để trẻ tập nhai nuốt thức ăn. Có thể thay đổi thức ăn hợp khẩu vị của bé từ từ, xen kẽ giữa thức ăn mới và thức ăn cũ mà trẻ yêu thích.

“Trang trí” thức ăn

Việc trình bày thức ăn thành những hình thù đáng yêu, bắt mắt, màu sắc rực rỡ tạo sự tò mò, hứng thú của bé đối với món ăn, khiến bé muốn ăn nhiều hơn. Chế biến và trình bày món ăn đơn điệu, nhàm chán cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ không hứng thú, ăn ngậm, kéo dài bữa ăn.

Thay đổi thực đơn của trẻ mỗi ngày

Ngay cả món ăn bổ dưỡng và yêu thích thì nếu ăn liên tục kéo dài cũng dễ làm trẻ chán, ngán. Nên thường xuyên thay đổi món và đổi cách chế biến, nguyên liệu thực đơn đa dạng, giàu dinh dưỡng để giúp hương vị thức ăn của trẻ thơm ngon, hấp dẫn hơn.

Không kéo dài thời gian ăn

Mẹ chỉ nên cho bé ăn trong 30 phút để giúp cho bé có tinh thần vui vẻ, tích cực với bữa ăn không cảm thấy chán ghét việc ăn. Ban đầu có thể lượng thức ăn có thể ít so với mong đợi nhưng đa số các bé nhận biết được ăn ít sẽ đói và tự tăng dần lượng thức ăn theo thời gian và khắc phục được tình trạng ngậm thức ăn.

Để trẻ ngồi ăn cùng gia đình

Trẻ nhỏ thường hay có thói quen quan sát, học hỏi và bắt chước hành động của người lớn hoặc thích thi đua với trẻ khác. Cho trẻ ăn cùng với bố mẹ và thành viên khác trong gia đình với không khí vui vẻ, đầm ấm có thể giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, tập trung với bữa ăn và nhai, nuốt thức ăn tốt hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *