fbpx

Hướng dẫn cho bé ngủ trưa: Nên và không nên

Ngoài giấc ngủ đêm, giấc ngủ ngắn vào ban ngày như ngủ trưa cũng quan trọng không kém. Chúng là chìa khóa để đảm bảo trẻ em có đủ những giờ nghỉ ngơi cần thiết mỗi ngày. Thêm vào đó, giấc ngủ trưa có tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe thể chất và tâm trạng của trẻ em. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng biết cách cho bé ngủ trưa.

1. Tại sao ngủ trưa lại quan trọng với trẻ?

Khi trẻ lớn lên và phát triển, giấc ngủ trưa giúp cho cơ thể và tâm trí trẻ có đủ thời gian để nghỉ ngơi và nạp năng lượng sau những giờ vận động liên tục. Thêm vào đó, nếu trẻ quá mệt mỏi, trẻ sẽ khó ngủ hơn vào ban đêm. Ngoài ra giấc ngủ trưa còn có các lợi ích khác cho trẻ, như:

  • Giấc ngủ trưa giúp trẻ em học tập tốt hơn: Một nghiên cứu về trẻ em mẫu giáo cho thấy rằng, ngủ trưa giúp trẻ chơi trò chơi trí nhớ tốt hơn. Những người nhận được lợi ích lớn nhất từ ​​giấc ngủ trưa là những người có thói quen ngủ trưa mỗi ngày.
  • Giấc ngủ trưa giúp trẻ khỏe mạnh: Nghiên cứu cho thấy rằng, trẻ em ngủ không đủ giấc hoặc ngủ không đều độ có xu hướng mắc bệnh béo phì cao hơn. Một phần lý do có thể liên quan đến cách trẻ ăn khi cảm thấy mệt mỏi.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trẻ em có xu hướng ăn nhiều hơn khi chúng không ngủ đủ. Trẻ cũng có xu hướng chọn thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Thêm vào đó, khi trẻ mệt mỏi, chúng sẽ không có nhiều năng lượng để hoạt động và tập thể dục đầy đủ, một phần quan trọng khác để có một cơ thể khỏe mạnh.

  • Ngủ nhiều hơn, tâm trạng tốt: Những ngày không ngủ trưa có thể khiến trẻ có những cơn giận dữ và nước mắt và khoa học đã chứng minh điều đó, một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ 2 tuổi bỏ qua giấc ngủ trưa sẽ kém vui vẻ hơn, lo lắng hơn và có phản ứng tồi tệ hơn với những sự kiện khó chịu.
Vui chơi với trẻ
Giấc ngủ trưa giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh và tâm trạng tốt.

2. Trẻ cần ngủ trưa bao lâu?

Trẻ sơ sinh cho đến khi được khoảng 3 tháng tuổi, trẻ sẽ ngủ rất nhiều. Trẻ có thể ngủ tới 18 giờ một ngày và thường chỉ thức một hoặc hai giờ mỗi lần để ăn và đi vệ sinh. Sau giai đoạn sơ sinh cho đến trước khi trẻ được 1 tuổi, trẻ cần từ hai đến bốn giấc ngủ ngắn mỗi ngày. Trẻ có thể nghỉ ngơi bất cứ lúc nào từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ.

  • Trẻ mới biết đi: trẻ ở độ tuổi này nên ngủ từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày, bao gồm cả giấc ngủ ngắn vào ban ngày. Trong khoảng 1 – 2 tuổi, hầu hết trẻ mới biết đi giảm từ hai giấc ngủ ngắn mỗi ngày xuống còn một giấc ngủ ngắn, thường diễn ra vào đầu giờ chiều. Khi điều đó xảy ra, giấc ngủ ngắn còn lại có thể kéo dài lên đến 3 giờ.
  • Trẻ mẫu giáo: sau 2 tuổi, không phải trẻ nào cũng cần ngủ trưa, mặc dù một số trẻ 3 hoặc 4 tuổi vẫn sẽ được hưởng lợi từ giấc ngủ này. Trẻ mẫu giáo cần ngủ từ 11 đến 13 giờ mỗi ngày, nhưng điều quan trọng đối với chúng là được nghỉ ngơi vào ban đêm hơn là ngủ trưa. Vì vậy, nếu trẻ không thể ngủ vào ban đêm, cha mẹ nên rút ngắn thời gian ngủ trưa của trẻ.
  • Trẻ sau 5 tuổi: Ở độ tuổi này trẻ em không cần ngủ trưa nữa. Nhưng nghỉ ngơi giữa ngày có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu cho trẻ em và thanh thiếu niên. Cố gắng giữ cho giấc ngủ trưa ngắn khoảng 30 phút và đảm bảo thức dậy vào đầu buổi chiều. Bằng cách đó, giấc ngủ ngắn sẽ không làm xáo trộn giờ ngủ của trẻ.

3. Bí mật để trẻ có giấc ngủ trưa tốt hơn

Ngay cả khi bạn biết giấc ngủ trưa có thể mang lại hiệu quả như thế nào nhưng thật khó để tập cho trẻ ngủ trưa. Để làm cho giờ ngủ trưa dễ dàng hơn, bạn nên chú ý đến một số điểm sau:

  • Giữ cho trẻ có tâm trạng thoải mái: Nên tạo cảm giác thoải mái và không nên ép con ngủ ngay. Bên cạnh đó nên cho trẻ ngủ trưa vào cùng một thời điểm và ở cùng một vị trí mỗi ngày, nếu có thể.
  • Cần ngủ đúng lúc: Khi bạn thấy trẻ đang buồn ngủ với các biểu hiện như trẻ đang ngáp hoặc dụi mắt, hãy đặt trẻ xuống một căn phòng mát mẻ, tối và không bị làm phiền để trẻ dễ đi vào giấc ngủ nhất.
  • Giữ cho giấc ngủ trưa ngắn: Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu giấc ngủ trưa ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm của trẻ chập chững biết đi và phát hiện ra rằng, trẻ ngủ trưa càng lâu và càng muộn thì càng khó ngủ vào ban đêm. Nếu trẻ chưa sẵn sàng từ bỏ giấc ngủ trưa, hãy thử rút ngắn thời gian nghỉ ngơi và cho trẻ đi ngủ tối sớm hơn.

4. Cách cho bé ngủ trưa hiệu quả

Ngáp là một dấu hiệu cơ bản nhất cho thấy trẻ đã bắt đầu buồn ngủ. Ngoài ra, trẻ còn có thể có một vài dấu hiệu khác như: dụi mắt, quấy khóc. Trẻ sơ sinh quá mệt mỏi thường khó ổn định giấc ngủ hơn, vì vậy bạn hãy để ý những dấu hiệu này. Những em bé lớn hơn cũng có thể có những hành động vụng về, đeo bám và hiếu động khi chúng buồn ngủ.

4.1. Những điều nên làm khi tập cho trẻ ngủ trưa

  • Biết trẻ sơ sinh ngủ nhiều: trẻ sơ sinh có thể ngủ khoảng 16 giờ một ngày, thức dậy để bú và thay đồ. Khi trẻ lớn hơn, cần ngủ ít hơn vào ban ngày và nhiều hơn vào ban đêm. Khi được 6 tháng, một số trẻ có thể ngủ suốt đêm cộng với hai đến ba giấc ngủ ngắn vào ban ngày. Tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng nếu chúng không ngủ trưa, bởi mỗi em bé sẽ ngủ khác nhau.
  • Cho trẻ ăn, nghỉ giải lao, sau đó ngủ trưa: Trẻ sơ sinh ngủ sau khi bú là điều tự nhiên. Và cho trẻ sơ sinh bú mẹ hoặc bú bình để ngủ là một cách tuyệt vời để bạn cảm thấy gần gũi với bé. Tuy nhiên, theo thời gian điều này có thể trở thành cách duy nhất để trẻ có thể chìm vào giấc ngủ. Vì vậy trẻ sơ sinh nên học cách tự ngủ. Cố gắng tách việc bú mẹ với giấc ngủ ngắn dù chỉ vài phút. Bạn có thể thay việc cho trẻ bú bằng cách đọc truyện hoặc thay tã.
  • Tập cho trẻ ngủ trưa thành một thói quen: Hãy thiết lập một thói quen ngủ trưa tốt và thực hiện khi có thể. Bạn có thể giúp trẻ ngủ ngon hơn bằng cách: Tránh ngủ trưa muộn nếu trẻ khó ngủ vào ban đêm, hãy sắp xếp thời gian ngủ trưa sớm hơn hoặc đánh thức chúng dậy sớm trước khi ngủ trưa. Sử dụng cũi vào ban đêm cũng là cách giúp trẻ ngủ ngon hơn.
  • Để trẻ tự ngủ: Bạn cần dạy cho trẻ cách tự ngủ mà không cần bế, đung đưa hay cho ăn. Điều này cũng có thể giúp trẻ học cách tự ngủ trở lại nếu họ thức giấc vào ban đêm.
  • Nghĩ đến sự an toàn của trẻ khi ngủ: Nếu trẻ ngủ gật trên ghế, giường, hoặc sàn nhà, hãy di chuyển trẻ vào cũi. Những nơi đó không an toàn để trẻ ngủ. Luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ để giúp ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Bỏ chăn, gối, thú nhồi bông, đệm và những thứ mềm khác ra khỏi nôi hoặc cũi của em bé. Không đặt trẻ ngủ chung với trẻ em hoặc vật nuôi khác.

4.2. Những điều không nên làm khi tập cho trẻ ngủ trưa

  • Không nên để trẻ ngủ trên ghế ô tô: Điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ ngủ gật trên ghế xe hơi? Chợp mắt một chút là được nhưng đừng để trẻ ngủ qua đêm trên ghế ô tô. Để ngủ một cách an toàn nhất, hãy đặt chúng nằm ngửa trên tấm nệm cứng của nôi. Điều này có thể làm giảm nguy cơ gặp phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
  • Không nên dựa vào những giấc ngủ ngắn của trẻ để làm việc khác: Có thể bạn sẽ muốn làm việc vặt hoặc di chuyển khi trẻ ngủ trưa. Nhưng liên tục chợp mắt khi đang di chuyển có thể không giúp trẻ có được giấc ngủ ngon. Nếu trẻ luôn tỏ ra mệt mỏi và lịch trình của bạn dày đặc, hãy cân nhắc cắt giảm hoặc sắp xếp lại lịch trình của bạn. Hoặc có thể nhờ người trông trẻ hoặc nhờ bạn bè giúp để bé có những giấc ngủ ngắn đều đặn và trọn vẹn.
  • Không nên vội vàng lao đến khi trẻ tỉnh giấc giữa chừng: Trẻ hắt hơi, nấc cụt, thút thít, thở dài và thậm chí là tiếng rít là những tiếng ồn khi ngủ của trẻ nhỏ. Bạn có thể không cần phải vội vàng lao đến, ngay cả việc trẻ quấy khóc cũng có thể có nghĩa là bé không sao. Chờ một chút trước khi kiểm tra xem có vấn đề gì với trẻ hay không. Tất nhiên, trừ khi bạn nghĩ rằng trẻ không an toàn, không thoải mái hoặc đói.

Về cơ bản, giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì thế cha mẹ nên đặc biệt lưu ý để có con được những giác ngủ ngon cùng sự phát triển toàn diện.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *