fbpx

Giai đoạn vàng nào giúp chiều cao trẻ tăng vọt?

Chiều cao của trẻ phát triển ngay từ khi trong bụng mẹ cho đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, 1000 ngày đầu đời và trong độ tuổi dậy thì chính là hai giai đoạn vàng mà chiều cao của trẻ phát triển mạnh mẽ nhất.

1. Giai đoạn vàng giúp chiều cao trẻ tăng vọt

1.1 Giai đoạn 1000 ngày đầu đời

1000 ngày đầu đời được tính từ khi trẻ được mang thai cho đến 24 tháng tuổi. Đây chính là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất và đã được Tổ chức Y tế Thế khuyến cáo. Trong năm đầu tiên trẻ có thể tăng từ 25 cm, và 2 năm tiếp theo tăng 10cm mỗi năm.1000 ngày đầu đời là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai.

Khi trẻ dưới 12 tháng tuổi là thời điểm mà tốc độ phát triển nhanh nhất so với mọi giai đoạn khác. Lúc này trẻ có cân nặng gấp đôi cân nặng của trẻ sơ sinh trong vòng 4-5 tháng đầu và cân nặng cuối năm thứ nhất sẽ gấp 3 lần cân nặng sơ sinh. Theo nghiên cứu giai đoạn từ 12-24 tháng tuổi trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng cao nhất, và tỷ lệ suy dinh dưỡng giữ ở mức cao cho tới 5 tuổi. Đây cũng là giai đoạn chuyển sang chế độ ăn dặm nên rất có thể trẻ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ cả về chiều cao và trí tuệ.

Sau 2 tuổi tốc độ tăng trưởng của trẻ sẽ giảm và chỉ tăng khoảng 6.2 cm mỗi năm, mật độ xương cũng tăng lên khoảng 1% một năm. Tuy nhiên, nếu giai đoạn này trẻ có chế độ dinh dưỡng phù hợp hỗ trợ sự phát triển chiều cao của trẻ thì nó sẽ là tiền đề để trẻ phát triển trong độ tuổi dậy thì.

1.2 Giai đoạn tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì được tính từ 12 – 18 tuổi, đây là giai đoạn đặc trưng bởi sự tăng trưởng vượt bậc cả về cơ bắp cũng như khung xương và chức năng sinh dục. Tốc độ phát triển và tăng trưởng chiều cao nhanh, có thể tăng từ 10cm mỗi năm ở bé gái giai đoạn 10 tuổi và tăng dần cho đến khi đạt được 15cm mỗi năm ở độ tuổi 12. Đối với bé trai, tốc độ tăng trưởng là 10cm mỗi năm khi 12 tuổi và đạt tối đa đến 15cm mỗi năm cho đến khi 14 tuổi. Sau đó tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần khi 15 tuổi ở bé gái và 17 tuổi ở bé trai.

Giai đoạn tuổi dậy thì quyết định đến 23% chiều cao trung bình ở người trưởng thành. Kích thước xương và khối lượng xương, mật độ chất khoáng ở mỗi xương tăng lên khoảng 4% mỗi năm tính từ khi trẻ 8 tuổi cho đến giai đoạn vị thành niên. Sự tăng trưởng và phát triển chiều cao có liên quan đến sự tích lũy nhanh chóng về khối lượng xương và có thể cả sự hoạt động của các hormone tăng trưởng. Do đó việc bổ sung các chất dinh dưỡng và chế độ luyện tập phù hợp là rất cần thiết cho trẻ trong độ tuổi này.

Trẻ dậy thì
Giai đoạn tuổi dậy thì của trẻ với sự tăng trưởng vượt bậc về cơ bắp cũng như khung xương

2. Chế độ ăn phát triển chiều cao

Đối với giai đoạn 1000 ngày đầu đời, ngay từ khi mang thai, thai phụ nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vì lúc này trẻ phát triển hoàn toàn phụ thuộc và mẹ. Bên cạnh đó cần nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo lắng ảnh hưởng đến thai nhi. 6 tháng đầu tiên cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn và duy trì bú mẹ cho đến khi trẻ đủ 2 tuổi. Bởi vì sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và giúp trẻ dễ dàng hấp thu. Khi trẻ chuyển sang ăn dặm cần bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin D như tôm, cua, cá,… để trẻ có thể phát triển chiều cao một cách tối đa.

Ở độ tuổi dậy thì, chế độ dinh dưỡng cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Carbohydrate: chính là một trong ba thành phần dinh dưỡng chính cung cấp phần lớn năng lượng cho trẻ. Năng lượng mà carbohydrate cung cấp mỗi ngày chiếm khoảng 60-70% tổng năng lượng cần thiết.
  • Lipid: kích thích ngon miệng và cung cấp nhiều năng lượng, giúp hấp thu tốt vitamin A, D, E, K. Đây là thành phần quan trọng đối với trẻ ở tuổi dậy thì, cung cấp cho trẻ tất cả các chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa có trong các loại thực phẩm như: dầu thực vật, cá, mỡ động vật,…
  • Protein: giai đoạn này trẻ phát triển thể chất rất mạnh và cần nạp nhiều lượng protein nhiều hơn so với người trưởng thành. Lượng năng lượng do protein cung cấp chiếm khoảng 15% tổng số năng lượng cần thiết mỗi ngày.
  • Canxi và vitamin D: đây là yếu tố không thể thiếu để trẻ phát triển xương chắc khỏe và đạt chiều cao tối đa. Mỗi ngày trẻ cần được cung cấp 1200mg canxi. Vitamin D chính là thành phần giúp hấp thu canxi tốt hơn.
  • Sắt: là thành phần rất quan trọng trong độ tuổi dậy thì đặc biệt là các bé gái. Bởi vì đây là giai đoạn trẻ bắt đầu có kinh do vậy nhu cầu sẽ cao hơn, cần 20 mg sắt mỗi ngày, đối với bé trai là 12-18mg sắt mỗi ngày.

Bên cạnh đó, trẻ cần có chế độ luyện tập phù hợp như các bài tập phát triển chiều cao hay các môn thể thao như bơi lội, bóng chuyền, bóng rổ, đạp xe,… Một chế độ sinh hoạt hợp lý cũng giúp hormone trẻ tiết ra đều đặn giúp trẻ phát triển. Vì vậy cần đi ngủ sớm đúng giờ, tốt nhất là trước 22 giờ và tránh căng thẳng, stress,…

Tóm lại, giai đoạn vàng giúp trẻ phát triển chiều cao tăng vọt đó là 1000 ngày đầu đời và tuổi dậy thì. Đây chính là 2 giai đoạn mà trẻ phát triển chiều cao mạnh mẽ nhất. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt chú ý bổ sung dinh dưỡng cần thiết và chế độ luyện tập cũng như sinh hoạt hợp lý để trẻ có thể phát triển và có chiều cao lý tưởng khi bước vào tuổi trưởng thành.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *